Sa lồi niệu quản (túi sa niệu quản)
Sa lồi niệu quản là bệnh lý giãn hình túi lồi vào trong lòng bàng quang của đoạn niệu quản thành bàng quang. Bệnh lý này là một dị tật bẩm sinh có thể gặp ở mọi đối tượng nhưng hay gặp nhất là trẻ em. Bệnh gây ra những rối loạn đường tiểu, nếu không phát hiện và điều trị sớm thì sẽ dẫn tới những biến chứng ảnh hưởng tới chức năng thận.
1. Sa lồi niệu quản là gì?
Sa lồi niệu quản là tình trạng mà niêm mạc niệu quản ở đoạn gần với bàng quang bị giãn thành dạng hình túi và lồi vào lòng của bàng quang. Bệnh lý sa lồi niệu quản thường gặp khi niệu quản đổ vào bàng quang không đúng chỗ, hẹp vị trí đổ vào bàng quang.
Bệnh lý này có thể gặp ở mọi đối tượng từ trẻ nhỏ tới người lớn, nhưng người ta nhận thấy rằng bệnh hay gặp hơn ở trẻ nhỏ. Với những trẻ bị bệnh sa lồi niệu quản nguyên nhân do dị tật bẩm sinh, thường kèm theo dị tật thận niệu quản đôi.
2. Nguyên nhân gây sa lồi niệu quản
- Đối với trẻ nhỏ: Nguyên nhân gây ra thường do dị tật bẩm sinh, sa lồi niệu quản chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ và gặp ở trẻ nữ nhiều hơn trẻ nam. Trường hợp ở trẻ nhỏ thường kèm theo thận niệu quản đôi, có thể gặp ở cả hai bên trái phải.
- Đối với người lớn: Bệnh sa lồi niệu quản thường do ảnh hưởng của thói quen sinh hoạt hình thành
3. Triệu chứng sa lồi niệu quản
Bệnh sa lồi niệu quản thường ít các triệu chứng lâm sàng, đa số biểu hiện bệnh là biểu hiện của các biến chứng.
3.1 Ở trẻ em
Các triệu chứng lâm sàng có thể gặp như:
- Nhiễm khuẩn tiết niệu: Trẻ sốt cao, tiểu đục, có thể tiểu máu, tiểu ít. Trẻ em bị nhiễm khuẩn tiết niệu tái diễn dẫn tới chậm phát triển cơ thể.
- Rối loạn tiểu tiện: Đái khó trẻ khi đi tiểu thường quấy khóc tiểu xong thì hết, tiểu phải rặn, tiểu rắt.
3.2 Ở người lớn
Các triệu chứng có thể xảy ra như:
- Sỏi niệu quản: Đau vùng thắt lưng âm ỉ, có lúc đau tăng lên thành cơn như cơn đau quặn thận, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu ra máu, đái ra sỏi...
- Nhiễm khuẩn tiết niệu: Biểu hiện dưới dạng viêm bàng quang cấp tính hoặc bán cấp, viêm bàng quang tái phát nhiều lần, bệnh nhân có rối loạn tiểu tiện như tiểu khó rất thường gặp có thể gây ra bí tiểu, tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu máu, nước tiểu đục. Viêm bàng quang không điều trị gây viêm thận bể thận ngược dòng bệnh nhân xuất hiện sốt cao rét run, tiểu đục, tiểu ra máu, tiểu ra mủ.
4. Những biến chứng của sa lồi niệu quản
Sa lồi niệu quản nếu không phát hiện sớm, bệnh diễn biến lâu dài có thể gây ra những biến chứng sau:
- Tình trạng này gây ứ nước lại ở thận và niệu quản lâu dần hình thành sỏi thận, sỏi niệu quản.
- Nếu tình trạng ứ nước kéo dài lâu dẫn đến chức năng thận bị suy giảm, mất chức năng.
- Túi sa niệu quản sa ra bên ngoài.
- Viêm đường tiết niệu, viêm thận bể thận ngược dòng là biến chứng hay gặp và nguy hiểm nhất có thể tiến triển làm suy giảm chức năng thận.
5. Chẩn đoán sa lồi niệu quản như thế nào?
Sa lồi niệu quản bẩm sinh có thể được chẩn đoán trước sinh nhờ các siêu âm thai, sàng lọc dị tật.
Nếu không được phát hiện khi sàng lọc trước sinh, thì việc chẩn đoán dựa vào các dấu hiệu lâm sàng kết hợp với các dấu hiệu cận lâm sàng như:
- Siêu âm bụng tổng quát: Là kỹ thuật đơn giản, hàng đầu trong chẩn đoán tình trạng sa lồi niệu quản. Siêu âm có thể phát hiện được túi sa niệu quản vị trí, kích thước và các bất thường khác như thận niệu quản đôi, ứ nước thận gây giãn đài bể thận, sỏi đường tiết niệu...
- Chụp UIV(niệu đồ tĩnh mạch): Là phương pháp giúp chẩn đoán và đánh giá tình trạng mức độ của bệnh, đánh giá chức năng thận.
- Ngoài ra các phương pháp chẩn đoán khác được sử dụng để đánh giá mức độ và phục vụ việc điều trị: chụp CT dụng hình hệ tiết niệu, chụp bàng quang ngược dòng...
6. Phương pháp điều trị sa lồi niệu quản
6.1 Điều trị nội khoa
Để điều trị biến chứng gây viêm nhiễm đường tiết niệu, phải điều trị bằng kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn trước khi tiến hành phẫu thuật.
6.2 Điều trị ngoại khoa
Là phương pháp điều trị duy nhất của bệnh, cần phẫu thuật sớm khi có chỉ định để ngăn ngừa những biến chứng xảy ra. Việc phẫu thuật như thế nào phải tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh.
6.2.1 Phẫu thuật nội soi chọc dò niệu đạo
Thường chỉ định cho túi sa niệu quản đúng chỗ trong bàng quang và thành mỏng, túi sa niệu quản được chọc thủng hoặc rách nhỏ làm xẹp đi giúp dòng nước tiểu chảy dễ dàng từ thận xuống bàng quang.
6.2.2 Mổ mở cắt túi sa và cắm lại niệu quản vào bàng quang
Phẫu thuật mở bàng quang, cắt bỏ túi sa niệu quản và cắm lại niệu quản vào thành bàng quang. Với phương pháp này điều trị bệnh đạt hiệu quả cao
6.2.3 Phẫu thuật cắt cực trên thận
Trong một số trường hợp dị tật thận niệu quản đôi, khi túi sa niệu quản làm cực trên thận tương ứng không còn chức năng thì cần phẫu thuật cắt bỏ phần này.
6.2.4 Cắt thận
Thường ở trường hợp thận niệu quản đơn nếu túi sa niệu quản gây biến chứng lâu dài làm mất chức năng thận, thì việc phẫu thuật cắt bỏ thận không có chức năng là cần thiết.
6.2.5 Điều trị các biến chứng do sa lồi niệu quản gây ra như sỏi tiết niệu
Nếu sỏi to thì có thể điều trị bằng tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật... Sa lồi niệu quản là một bệnh lý có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng không nhỏ tưới chức năng thận, mà việc chẩn đoán không quá khó nên khi có các dấu hiệu như: Nhiễm khuẩn tiết niệu tái diễn, rối loạn tiểu tiện..nên tới cơ sở y tế khám để được chẩn đoán chính xác bệnh. Việc điều trị sớm hạn chế nguy cơ gây ảnh hưởng tới chức năng thận.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn Hà Nội, hoặc liên hệ ĐT 0868.688.838
Thạc sĩ Hoàng Văn Bảo
Khoa phẫu thuật nhi bệnh viện Xanh Pôn