Viêm hạch nách sau tiêm phòng vắc xin Lao ở trẻ em
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 15 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Chính vì vậy tiêm vắc xin phòng lao (BCG) cho trẻ sơ sinh sớm là cách giúp trẻ phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm, tránh những ảnh hưởng đến phổi, có thể gây tử vong.
Tuy nhiên, có hai biến chứng hay gặp sau tiêm phòng lao là viêm loét tại chỗ tiêm kéo dài và viêm hạch nách trái. Đặc biệt, khi phát hiện hạch ở nách trái của trẻ sung to, hầu hết các bậc cha mẹ đều rất lo sợ, cho rằng đó là một biến chứng rất nguy hiểm cần phải nhập viện ngay lập tức.
Viêm hạch nách sau tiêm phòng Lao là gì?
Viêm hạch sau tiêm phòng Lao ở trẻ em là sự viêm và phát triển nhân rộng của hạch bạch huyết ở gần vị trí tiêm như hạch ở vùng nách trái, vùng vai trái, hoặc ở vùng cổ bên trái.
Đây là tình trạng đáp ứng viêm của cơ thể với việc tiêm phòng lao, chứ không phải là hạch lao trong bệnh lao hạch như mọi người vẫn nghĩ do đó điều trị sẽ không cần dùng thuốc chống lao.
Phân loại viêm hạch nách sau tiêm phòng lao
Hạch có 2 dạng hoá mủ và không hoá mủ.
+ Dạng viêm hạch không hoá mủ sẽ tiến triển kéo dài và teo nhỏ dần theo tuổi.
+ Dạng viêm hạch hoá mủ thì thường cần can thiệp điều trị.
Triệu chứng của viêm hạch nách sau tiêm phòng Vaccine Lao là gì?
- Hạch thường xuất hiện trong vòng từ 2 tuần đến 6 tháng kể từ ngày tiêm lao
- Thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi
- Trẻ xuất hiện hạch ở nách cùng bên với bên tiêm lao (bên trái)
- Không có triệu chứng toàn thân, không sốt hay sút cân. Trẻ vẫn phát triển bình thường
- Trẻ không đau tấy trên bề mặt hạch
- Thường gặp nhất là hạch ở nách tuy nhiên có thể gặp hạch cổ hoặc vai bên trái
- Hạch tròn, nhẵn, chắc, di động và không đau
- Khi hạch viêm hoá mủ: bề mặt da trên hạch thay đổi màu sắc đỏ => trắng. Sờ vào thấy hạch mềm.
- Một số trường hợp hạch viêm hoá mủ và vỡ ra làm thoát mủ và tổ chức hạch hoại tử ra ngoài
Điều trị viêm hạch nách sau tiêm phòng Lao
- Hạch viêm không hoá mủ: chủ yếu điều trị bảo tồn và theo dõi. Thường diễn biến có thể tự khỏi sau 6-9 tháng. Nếu hạch tiến triển hoá mủ hoặc nếu hạch to trên 2 cm, tồn tại kéo dài 6-9 tháng thì cân nhắc phẫu thuật.
- Hạch viêm hoá mủ: Tiến triển của hạch sẽ to lên và hoá mủ. Có 2 hướng điều trị chính:
+ Thứ nhất: Chích tháo mủ và tổ chức hạch hoại tử. Là phương pháp hay được khuyến cáo, sau chích trẻ được vệ sinh thay băng hàng ngày. Sau chích có thể dùng kháng sinh uống phòng bội nhiễm. Quá trình thay bang sau chích có thể mất 2 - 4 tuần để loại bỏ dịch mủ và tổ chức hạch hoại tử ra hết.
+ Thứ hai: Mổ bóc tách hạch viêm. Đây là phương pháp triệt để nhất nhưng thường chỉ định sau khi chích nhiều lần thất bại (thường trên 2 lần) hoặc tình trạng hạch viêm to tạo nhiều xoang bên trong, hoặc dai dẳng từ 6- 9 tháng, kích thước to trên 3 cm, hoặc trong những trường hợp nghi ngờ tổn thương khác của hạch. Trong và sau mổ thì nên dùng kháng sinh phòng bội nhiễm.
Việc trẻ bị nổi hạch ở nách trái, tuy có thể chỉ là một phản ứng thông thường của con sau khi tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh lao. Nhưng cũng không ngoại lệ các nguyên nhân khác có thể làm xuất hiện hạch. Do đó khi hạch xuất hiện ở nách trẻ, sưng đau, hoặc tồn tại trong thời gian dài không biến mất, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa Nhi, để bé được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời.
Thạc sĩ. Bác sĩ Hoàng Văn Bảo đã có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực Ngoại Nhi. Để được tư vấn trực tiếp vui lòng liên hệ Hotline 0868 688 838 hoặc cho trẻ đến khám Bs Bảo tại Trung tâm kỹ thuật cao bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội.
Thạc sĩ, Bs Hoàng Văn Bảo
Khoa phẫu thuật nhi BV Xanh Pôn Hà Nội