DÍNH THẮNG LƯỠI

I. ĐẠI CƯƠNG
Thắng lưỡi là lớp màng mỏng niêm mạc hình tam giác nằm ở dưới lưỡi, có tác dụng tham gia điều chỉnh sự vận động chức năng của lưỡi.
Dính thắng lưỡi (Ankyloglossia – Tongue - tie): Là một dị tật bẩm sinh do dây thắng lưỡi ngắn và làm hạn chế cử động bình thường của lưỡi, bệnh có thể do di truyền.
Dính thắng lưỡi là một nguyên nhân làm cho đứa trẻ gặp khó khăn trong phát âm và ăn uống.
II. PHÂN LOẠI
Phân loại mức độ dính thắng lưỡi dựa theo chiều dài thắng lưỡi đo được từ nơi bám ở sàn miệng đến vị trí bám vào bụng lưỡi:
● Mức độ 1: dính thắng lưỡi nhẹ, độ dài thắng lưỡi từ 12 – 16 mm.
● Mức độ 2: dính thắng lưỡi trung bình, độ dài thắng lưỡi từ 8 - 11 mm.
● Mức độ 3: dính thắng lưỡi nặng, độ dài thắng lưỡi từ 3 - 7 mm.
● Mức độ 4: dính thắng lưỡi hoàn toàn, độ dài thắng lưỡi dưới 3 mm.

II. CHẨN ĐOÁN
1. Hỏi bệnh
Hỏi tiền sử bệnh có liên quan với dị tật dính thắng lưỡi thấy trẻ bú khó, ăn uống khó hoặc phát âm khó.
2. Khám lâm sàng
Tùy thuộc lứa tuổi và mức độ dính thắng lưỡi nhiều hay ít, triệu trứng biểu hiện lâm sàng dính thắng lưỡi như sau:
Thắng lưỡi ngắn, cử động lưỡi hạn chế.
Đầu lưỡi không thè ra ngoài môi được.
Đầu lưỡi không thể cử động đưa sang bên.
Đầu lưỡi khi thè lưỡi thay vì thấy nhọn thì có vẻ phẳng hay vuông.
Đầu lưỡi có hình V hay hình trái tim.
Trẻ bú khó và phát âm cũng khó khăn.
Các răng cửa hàm dưới có thể bị nghiêng. 

Hình 2. Đầu lưỡi có dạng hình trái tim  

3. Chẩn đoán xác định
Chiều dài thắng lưỡi được đo từ nơi bám ở sàn miệng đến vị trí bám vào lưỡi nhỏ hơn 16 mm.
III. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị

Dính thắng lưỡi độ 1 và 2: theo dõi và đánh giá, trông chờ khả năng tự dãn của thắng lưỡi, nếu thắng lưỡi không dãn và gây khó khăn cho việc bú và nói thì tiến hành phẫu thuật.
Dính thắng lưỡi độ 3 và 4: phẫu thuật tạo hình thắng lưỡi ngay, phục hồi chức năng đúng của lưỡi.
Tuổi trung bình từ 3 tháng trở lên. Có những trường hợp có thể cắt sớm ngay sau sinh nếu thắng lưỡi bị dính nhiều khiến trẻ không bú được.
2. Kỹ thuật cắt tạo hình thắng lưỡi
Có 2 kỹ thuật cắt tạo hình thắng lưỡi là cắt dưới gây tê tại chỗ và cắt dưới gây mê.
Việc lựa chọn kỹ thuật nào tùy thuộc vào 4 yếu tố là tuổi của trẻ, sự hợp tác của trẻ, độ dính và độ dầy của thắng lưỡi:
Cắt thắng lưỡi dưới gây tê tại chỗ:
   - Thực hiện tại ghế nha khoa, trẻ được người nhà ôm, đầu được người trợ thủ giữ chặt.
   - Tiến hành sát trùng tại chỗ, bôi thuốc tê niêm mạc, sau đó gây tê tại chỗ với khoảng 1ml dung dịch Lidocain 2% và chờ trong 2 phút.
   - Dùng dao điện hoặc dao thường để cắt và tạo hình thắng lưỡi bằng những đường rạch ngang hoặc đường rạch hình chữ Z.
   - Đốt điện tại chỗ hoặc khâu khi cần thiết.
Cắt thắng lưỡi dưới gây mê: thực hiện tại phòng mổ. Có thể gây mê mask hoặc đặt nội khí quản. Chích thuốc tê tại chỗ. Tiến hành phẫu thuật tạo hình thắng lưỡi giống như trên. 

3. Điều trị sau phẫu thuật
Kháng sinh phòng ngừa.
Giảm đau sau mổ.
Nếu trẻ được phẫu thuật tê: dùng cây đè lưỡi có quấn gạc chèn vào giữa 2 hàm răng để phòng việc bé cắn vào lưỡi do bị mất cảm giác, có thể bú mẹ hoặc uống sữa lạnh 30 phút sau khi phẫu thuật.
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
Hẹn tái khám sau 1 tuần: đánh giá kết quả phẫu thuật, hướng dẫn thân nhân tập trẻ nói và bú.
Tái khám sau 1 tháng để đánh giá độ cải thiện về chức năng của lưỡi. Những trường hợp khó có thể chuyển khám ở đơn vị Phục hồi chức năng.


Nguồn: Phác đồ nhi đồng 1 - 2015