Lồng ruột ở trẻ

Lồng ruột là cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ em, nguyên nhân do đoạn ruột phía trên chui vào lòng đoạn ruột phía dưới. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đoạn ruột bị lồng vào nhau sẽ bị hoại tử, dẫn đến thủng ruột và gây viêm phúc mạc, có thể dẫn đến tử vong.

1. Lồng ruột là gì?

Lồng ruột là một bệnh lý nghiêm trọng liên quan đến đường ruột, gồm ruột non và ruột già. Đây là hiện tượng một đoạn ruột phía trên di chuyển và chui vào lòng của đoạn ruột phía dưới, làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột. Khi các đoạn ruột lồng vào nhau, các mạch máu cũng bị cuốn vào theo. Hậu quả là các mạch máu ruột bị thắt nghẹt, tổn thương, gây hoại tử. Nếu không được điều trị kịp thời thì đoạn ruột bị lồng sẽ bị hoại tử, dẫn tới thủng ruột và gây nhiễm trùng ổ bụng.

Hình ảnh lồng ruột

2. Nguyên nhân gây lồng ruột

Hiện các bác sĩ vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây lồng ruột. Tuy vậy, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ gặp phải hiện tượng này như:

  • Tuổi tác: lồng ruột có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thống kê cho thấy có tới 80 - 90% các trường hợp bị lồng ruột là trẻ dưới 2 tuổi. Trong đó, độ tuổi bị lồng ruột nhiều nhất là trẻ 5 - 9 tháng tuổi. Nhiều giả thiết cho rằng đây là thời kỳ bé chuyển từ bú sữa sang ăn dặm nên ruột dễ co bóp bất thường dẫn tới lồng ruột. Ngoài ra, do sự phát triển của ruột non và ruột già ở trẻ em lúc này có sự chênh lệch nhau về kích thước quá nhiều nên cũng dễ dẫn tới hiện tượng ruột lồng vào nhau.
  • Giới tính: chứng lồng ruột xảy ra nhiều hơn ở các bé trai.
  • Theo mùa: lồng ruột thường hay gặp ở mùa đông xuân, đây là thời gian các loại vi rút phát triển mạnh, và nhiễm vi rút đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp cũng là nguyên nhân gây ra lồng ruột.
  • Các vấn đề bất thường: viêm ruột, khối u trong ruột, polyp lòng ruột hoặc mắc bệnh gây rối loạn co bóp ruột, mắc hội chứng suy giảm miễn dịch.

3. Triệu chứng lồng ruột

  • Đau bụng: trẻ có biểu hiện đau bụng từng cơn, khóc thét đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, xoắn vặn,... Cơn đau bụng có thể làm trẻ ngừng chơi, bỏ bú.
  • Nôn: ở giai đoạn đầu lồng ruột, trẻ bị nôn ra thức ăn. Ở giai đoạn muộn, trẻ có thể nôn ra dịch xanh hoặc dịch vàng.
  • Đại tiện ra nhầy máu: thường xuất hiện ở giai đoạn muộn, trẻ có thể đại tiện ra máu đỏ hoặc nâu, phân có nước nhầy.
  • Đối với những trẻ đang bị sốt, ho, nhiễm siêu vi hay những trẻ đã từng bị lồng ruột thì triệu chứng trẻ đột ngột quấy khóc từng cơn cũng là một dấu hiệu nghi ngờ bị lồng ruột.
  • Triệu chứng khác: trẻ mệt lả, da xanh nhợt, môi khô, mạch nhanh, người lạnh, mắt trũng, sốt, mất nước,...

Lồng ruột ở trẻ: Cần cấp cứu kịp thời

Trẻ đau bụng, khóc thét dữ dội cảnh báo hiện tượng lồng ruột

4. Cách xử trí khi trẻ bị lồng ruột

Do lồng ruột diễn biến rất nhanh nên ngay khi trẻ có biểu hiện khóc thét, bỏ bú và nôn ói nhiều, phụ huynh cần đưa trẻ đi cấp cứu ngoại khoa. Các bác sĩ sẽ xác định bệnh qua thăm khám, siêu âm.

Nếu đúng là bị lồng ruột, trẻ sẽ được tháo lồng bằng hơi. Thủ thuật này nghĩa là đặt một ống thông nhỏ vào lòng trực tràng. Dưới hướng dẫn của máy X-quang hoặc siêu âm tại chỗ, các bác sĩ sẽ bơm hơi từ từ vào ruột già với một áp lực vừa phải cho tới khi khối ruột đang lồng vào nhau được tháo ra hoàn toàn. Nếu trẻ được đưa đến bệnh viện quá muộn (sau 24 giờ bị lồng ruột) thì có thể phải phẫu thuật để tháo khối ruột lồng.

Trong trường hợp phụ huynh đưa trẻ đến trễ hơn 24 giờ, đoạn ruột lồng đã chui sâu vào nhau, gây sưng nề, tắc nghẽn mạch máu hay thậm chí là hoại tử, các bác sĩ sẽ phải phẫu thuật để cắt bỏ đoạn ruột bị lồng này. Bởi vậy, lời khuyên cho phụ huynh là nên đưa trẻ tới bệnh viện lớn ngay khi bé có dấu hiệu nghi ngờ lồng ruột.

5. Chú ý chăm sóc trẻ sau khi tháo ruột lồng

  • Tỷ lệ lồng ruột tái phát cao trong vòng 48 giờ sau khi tháo lồng, do vậy bố mẹ hay người chăm trẻ phải chú ý biểu hiện của lồng ruột tái phát như: đau bụng đột ngột, trẻ khóc thét, bỏ chơi, biếng ăn, nôn ói,... để đưa trẻ khám ngay.
  • Tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc, không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa kê.
  • Sau khi tháo ruột lồng vẫn cho trẻ ăn uống, sinh hoạt như bình thường, không cần phải kiêng cữ nên cho trẻ vui chơi, vận động mạnh hay nhún nhảy quá nhiều vì việc này không ảnh hưởng đến lồng ruột.
  • Với trẻ bị lồng ruột tái phát nhiều lần, phụ huynh không nên quá lo lắng, chỉ cần đưa trẻ đến khám ở bác sĩ ngoai nhi để được tư vấn và xử trí cho trẻ. Quan trọng là phát hiện bất thường của trẻ và đưa đi khám kịp thời.
  • Giữ ấm cơ thể cho trẻ, hạn chế nguy cơ viêm đường hô hấp vào mùa đông xuân, ăn uống vệ sinh, tránh nguy cơ viêm hạch mạc treo dẫn tới lồng ruột.

Lồng ruột ở trẻ: Cần cấp cứu kịp thời

Những trẻ từng bị lồng ruột cần tái khám ngay khi có các biểu hiện của lồng ruột

 

Để đặt lịch khám và tư vấn, Quý khách có thể liên hệ Khoa Phẫu thuât Nhi bệnh viện đa khoa Xanh Pôn Hà Nội hoặc liên hệ trực tuyến 0868 688 838.

XEM THÊM:

Thạc sĩ, Bs Hoàng Văn Bảo

Khoa Phẫu thuật Nhi BV Xanh Pôn Hà Nội

ĐT: 0868 688 838