BỆNH HẸP KHÚC NỐI BỂ THẬN NIỆU QUẢN Ở TRẺ EM
Bệnh hẹp khúc nối bể thận- niệu quản ở trẻ em là dị tật bẩm sinh thường gặp ở trẻ em. Bệnh gây cản trở dòng nước tiểu từ bể thận xuống niệu quản. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể làm cho thận bị tổn thương nghiêm trọng. Phẫu thuật nội soi là phương pháp điều trị hiệu quả nhất của bệnh hẹp khúc nối bể thận niệu quản.
1. Bệnh hẹp khúc nối bể thận - niệu quản là gì?
Hẹp khúc nối bể thận - niệu quản là một bất thường ở phần nối giữa bể thận và niệu quản, gây cản trở dòng nước tiểu từ thận xuống bàng quang, nước tiểu bị ứ đọng ở thận sẽ gây giãn bể thận, gây nên tình trạng thận ứ nước. Thận ứ nước nhiều và kéo dài sẽ gây suy giảm chức năng hoạt động của thận dẫn đến suy thận.
Hẹp khúc nối bể thận - niệu quản là một bất thường ở phần nối giữa bể thận và niệu quản
Hẹp khúc nối bể thận - niệu quản gặp ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ (2/1), bệnh có thể xuất hiện ở một bên hoặc hai bên, nhưng tỉ lệ hẹp bên trái cao hơn bên phải gấp hai lần.
Có nhiều nguyên nhân gây hẹp khúc nối bể thận- niệu quản như:
- Bẩm sinh: niệu quản cắm vào bể thận ở vị trí bất thường, đoạn khúc nối không có nhu động;
- Mạch máu bất thường chèn ép vào niệu quản;
- Phản ứng viêm tạo xơ sau phẫu thuật hoặc các chấn thương: sau phẫu thuật niệu quản, nang giả niệu nhiễm trùng, xơ hóa sau phúc mạc...
- Khối u lành tính hoặc ác tính ở đường tiết niệu...
Bệnh có thể được chẩn đoán trước sinh nhờ siêu âm sản khoa.
Bệnh thường tiến triển âm thầm không gây các triệu chứng, chỉ được phát hiện tình cờ khi siêu âm ổ bụng hoặc khi đã xuất hiện các biến chứng thận ứ nước lớn, giảm chức năng một phần hoặc hoàn toàn.
Trong một số trường hợp, trẻ sẽ có một hoặc nhiều các triệu chứng như:
- Đau bụng hoặc đau vùng hông lưng: trẻ thường kêu đau một bên bụng hoặc vùng hông lưng, đau từng đợt, nhiều ngày, đau có thể kèm buồn nôn và nôn.
- Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu: tiểu buốt, tiểu dắt, tiểu nhiều lần, nước tiểu đục.
Khi phát hiện trẻ bị hẹp khúc nối bể thận - niệu quản trẻ sẽ được làm thêm những xét nghiệm để tìm nguyên nhân và đánh giá chức năng thận như:
- Chụp cản quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch (UIV): giúp đánh giá chức năng của thận qua việc bài xuất thuốc cản quang, sự giãn bể thận và niệu quản, sự lưu thông của thuốc cản quang qua khúc nối
- Chụp đồng vị phóng xạ (SPECT): giúp đánh giá sự tưới máu ở thận, chức năng tương đối của mỗi thận
- Chụp bàng quang ngược dòng để phát hiện trào ngược bàng quang niệu quản.
- Chụp cắt lợp vi tính giúp dựng hình được chính xác vị trí hẹp.
2. Phẫu thuật hẹp khúc nối bể thận niệu quản
Phương pháp điều trị chính của bệnh hẹp khúc nối bể thận- niệu quản là phẫu thuật.
Các phương pháp phẫu thuật hẹp khúc nối bể thận niệu quản bao gồm:
- Nội soi niệu quản xẻ rộng chỗ hẹp
Thường dùng cho trường hợp hẹp khúc nối niệu quản – bể thận ở mức độ nhẹ hoặc vừa, không có mạch máu chèn ép niệu quản. Laser được dùng để rạch rộng trong lòng đoạn niệu quản hẹp tại phần nối bể thận - niệu quản, ống niệu quản được nong rộng, sau đó đặt một ống thông double J vào niệu quản. Có hai phương pháp tiếp cận: Nội soi thận qua da hoặc nội soi niệu quản ngược dòng.
- Phẫu thuật tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản
Phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở để cắt bỏ đoạn hẹp khúc nối bể thận - niệu quản, sau đó tạo hình khâu nối niệu quản với bể thận. Đây là phương pháp đang được áp dụng phổ biến hiện nay.
Phẫu thuật sẽ cải thiện khả năng thoát nước tiểu từ bể thận xuống niệu quản. Chỉ thực hiện cắt thận khi thận đã mất chức năng (chức năng thận bên có bệnh còn dưới 10-15%) và thận còn lại chức năng còn tốt.
Bệnh nhân sau phẫu thuật cần được theo dõi liên tục làm các xét nghiệm hình ảnh như: Siêu âm hệ tiết niệu, X - quang niệu đồ tĩnh mạch, CT Scan hệ tiết niệu hoặc Xạ hình thận để kiểm tra bệnh có tái phát không.
Phương pháp phẫu thuật tạo hình khúc nối bể thận - niệu quản
Để được tư vấn chi tiết về phẫu thuật điều trị bệnh lý này tại bệnh viện xanh pôn, quý khách vui lòng liên hệ HOTLINE 0868688838 hoặc đến khám tại Phòng khám ngoại nhi BV Xanh Pôn.
Thạc sĩ, Bs Hoàng Văn Bảo