Lồng ruột ở trẻ bú mẹ
Lồng ruột là bệnh lý ngoại khoa rất thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ đang bú mẹ. Đây là hiện tượng bệnh lý khi khúc ruột phía trên di chuyển bất thường, chui và lòng khúc ruột phía dưới, làm tắc nghẽn lưu thông ruột.
1. Nguyên nhân gây lồng ruột ở trẻ còn bú mẹ
Nguyên nhân gây lồng ruột cấp tính ở trẻ còn bú mẹ hiện vẫn chưa rõ, nhưng có một số cách giải thích được chấp nhận:
- Do mất cân đối giữa kích thước hồi tràng và manh tràng: Ở trẻ 4 tháng tuổi, kích thước của hồi tràng và manh tràng xấp xỉ nhau, từ 4 - 12 tháng tuổi thì manh tràng phát triển nhanh hơn.
- Manh tràng và đại tràng không dính hoặc dính lỏng lẻo vào thành bụng sau. Một số trường hợp bệnh có khởi điểm là do túi thừa Meckel, u ruột non, polyp, búi giun...
- Viêm hạch của mạc treo: trẻ còn bú van Bauhin dễ nhô vào trong lòng đại tràng, nang bạch huyết phong phú, khi bị viêm sưng to gây cản trở nhu động của ruột non.
- Viêm hạch bạch huyết mạc treo do nhiễm virus. Mùa bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cao cũng hay gặp lồng ruột như nhiễm Adenovirus, Enterovirus ...
- Vùng hồi - manh tràng là nơi giao tiếp của 2 luồng sóng nhu động ngược chiều nhau, nhu động ngược chiều của đại tràng về phía manh tràng và nhu động xuôi chiều của hồi tràng.
2. Triệu chứng lồng ruột ở trẻ còn bú
2.1. Biểu hiện của trẻ bị lồng ruột
- Đau bụng, quấy khóc từng cơn: trẻ đau bụng, khóc thét từng cơn do cơn đau đột ngột, dữ dội, khiến trẻ xoắn vặn, ưỡn người, hai chân đạp lung tung. Ban đêm làm trẻ thức giấc, ban ngày bỏ chơi, bỏ bú. Cơn đau xuất hiện và mất đi đột ngột, thường mỗi cơn đau kéo dài từ 5 - 15 phút. Triệu chứng có thể tái diễn ngay sau đó làm trẻ yếu dần, mệt lả, các cơn đau xuất hiện ngày càng nhiều.
- Nôn: xuất hiện có thể ngay từ cơn đau đầu tiên, ban đầu nôn ra thức ăn, sau đó là dịch xanh hoặc vàng.
- Ỉa nhầy máu: dấu hiệu này xuất hiện muộn, có thể từ cơn đau đầu tiên hoặc sau 24 giờ. Đa số các trường hợp phân có máu lẫn nhầy, màu đỏ hoặc nâu, có khi có vài giọt máu tươi chảy từ hậu môn, dây ra tã. Ỉa máu càng sớm thì lồng ruột càng chặt.
2.2. Triệu chứng khi thăm khám
- Sờ thấy khối lồng (ở 85 - 95% trường hợp): khối lồng nằm ngang thường nằm ở hạ sườn phải, trên rốn. Bệnh nhân lúc này đã dịu cơn đau, bụng mềm, khối lồng sờ thấy là một khối dài, nằm dọc theo vị trí của khung đại tràng, di động, mặt nhẵn, chắc, đau khi ấn.
- Hố chậu phải rỗng: do manh tràng di chuyển lên trên.
- Thăm trực tràng có nhầy máu theo găng hoặc có thể sờ thấy đầu khối lồng nếu lồng ruột thấp.
- Lồng ruột đến muộn có thể có các biểu hiện của tắc ruột, viêm phúc mạc...
2.3. Triệu chứng Toàn thân
- Giai đoạn sớm: ít có thay đổi.
- Giai đoạn muộn: cơ thể mệt lả, ít hoạt động, có triệu chứng mất nước và điện giải, nhiễm khuẩn - nhiễm độc, nhiệt độ cao.
3. Chẩn đoán trẻ bị lồng ruột
3.1. Chụp X-quang
Chụp bụng không chuẩn bị: ít tìm thấy giá trị trong chẩn đoán, có thể có một số dấu hiệu gợi ý:
- Có đám mờ dưới gan hoặc vùng thượng vị ở vị trí khối lồng.
- Không có hơi ở hố chậu phải do manh tràng di chuyển cao hơn.
- Có biểu hiện mức nước, mức hơi điển hình của tắc ruột khi bệnh nhân đến muộn.
- Liềm hơi do phần ruột bị hoại tử, thủng.
Chụp bụng có thụt baryte đại tràng: có các hình ảnh đặc hiệu của bệnh lồng ruột như hình đáy chén, càng cua, móc câu, huy hiệu hay hình âm thoa. Không chụp khi tắc ruột đến muộn ≥ 48 giờ, có dấu hiệu viêm phúc mạc, thủng ruột.
Chụp bụng có bơm khí đại tràng: có các hình ảnh lồng ruột điển hình như bơm baryte, thủ thuật này an toàn, dễ áp dụng.
3.2. Hình ảnh Siêu âm
Siêu âm là phương pháp chẩn đoán lồng ruột tin cậy và chính xác, thấy:
- Hình ảnh khối lồng:
- Mặt cắt ngang: khối lồng có hình tròn hoặc bầu dục, đường kính trên 3 cm, có vùng trung tâm tăng âm, vùng ngoại vi giảm âm.
- Mặt cắt dọc: khối lồng có hình như bánh Sandwich 3 lớp (lớp giữa là lớp tăng âm, hai lớp hai bên giảm âm).
- Vị trí khối lồng: khung đại tràng hoặc nằm ngoài.
Siêu âm Doppler màu: giúp tiên lượng và chỉ định phẫu thuật hay tháo lồng, dựa trên dòng chảy của máu ở đoạn ruột lồng, nếu không có dòng chảy của mạch máu, mạc treo bị chèn ép ở đoạn ruột lồng thì phẫu thuật.
3.3. Chụp cắt lớp vi tính
Hình ảnh tắc ruột non với quai ruột trên chỗ lồng dãn, bên dưới xẹp, ít khi áp dụng ở trẻ em
Cha mẹ thấy trẻ có dấu hiệu bị lồng ruột nên sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, điều trị, tránh phần ruột lồng bị hoại tử.
XEM THÊM:
Thạc sĩ, BS : Hoàng Văn Bảo
Khoa Phẫu thuật Nhi BV đa khoa Xanh Pôn Hà Nội
ĐT: 0868 688 838