LỘ BÀNG QUANG
I. ĐẠI CƯƠNG
Lộ bàng quang là dị dạng khuyết thành bụng dưới làm bàng quang lộ ra ngoài thành bụng.
Nguyên nhân và đặc điểm thương tổn: do bất thường phát triển cực đuôi của nhú sinh dục, màng nhớp và trung bì. Bất thường hàn khép theo trục giữa làm cho bàng quang không khép lại; toàn bộ niệu đạo, cổ bàng quang không đóng kín; thân dương vật quy đầu (ở nam), âm vật (ở nữ) tách về 2 bên cơ thành bụng hở ra khớp mu dãn. Lộ bàng quang tạo ra tật lỗ tiểu cao (epispadias) ở nam và thường kèm theo các khiếm khuyết cơ vùng sàn chậu, thoát vị bẹn, tầng sinh môn ngắn và hẹp hậu môn.
Bệnh chiếm tỷ lệ 1/10.000 đến 1/50.000 trẻ sơ sinh sống, tỷ lệ nam/nữ khoảng 5/1.
Lộ bàng quang gây ra hôi, ngứa ngáy khó chịu, tấy đỏ và đau rát các bộ phận xung quanh vì nước tiểu luôn luôn rỉ. Nếu không chữa trị, nguy cơ lớn nhất là viêm thận-bể thận và hóa ác về sau.
II. CHẨN ĐOÁN
1. Công việc chẩn đoán
a. Hỏi bệnh
Bệnh đến khám vì bất thường bộ phận bài tiết nước tiểu, sinh dục ngoài.
Đi cầu bón (ở trẻ lớn)?
Tiền sử gia đình?
Lộ bàng quang
b. Khám lâm sàng
Đánh giá tổng trạng toàn thân.
Khám tại chỗ: vùng bàng quang lộ ngoài, tình trạng phù nề niêm mạc bàng quang, cổ bàng quang, máng niệu đạo; đánh giá kỹ 2 nửa phần quy đầu dương vật, bìu (ở nam) hay 2 nửa âm vật, môi bé môi lớn ở nữ.
Khám tầng sinh môn, lỗ hậu môn: lộ bàng quang thường phối hợp với hẹp ống hậu môn hay hậu môn tầng sinh môn trước.
Khám vùng bẹn bìu: lộ bàng quang thường phối hợp với thoát vị bẹn.
Sờ nắn quan sát 2 khớp mu.
c. Cận lâm sàng
Các xét nghiệm thường quy về máu nước tiểu, chức năng thận.
Karyotype cần thiết trong các trường hợp cần phân biệt thêm về giới tính.
Siêu âm tổng quát bụng hệ tiết niệu, kích thước thận niệu quản.
Phim UIV đánh giá hình dạng kích thước đài bể thận và niệu quản.
Phim khung chậu thẳng và nghiêng để đánh giá mức độ hở khớp mu.
2. Chẩn đoán xác định
Dựa vào lâm sàng, chẩn đoán thêm các tổn thương phối hợp như thoát vị bẹn hay hẹp hậu môn nếu có.
3. Chẩn đoán phân biệt
Lộ ổ nhớp: là dị dạng phúc tạp gồm lộ bàng quang kèm theo dị dạng đại tràng cụt, lộn hồi tràng, bít hậu môn, thoát vị cuống rốn.
III. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc điều trị
Mục đích điều trị: đưa bàng quang vào trong ổ bụng, phục hồi chức năng tiết niệu, sinh dục, hạn chế nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.
Cần 2 nhóm phẫu thuật chuyên khoa chỉnh hình và tiết niệu có kinh nghiệm:
- BS chuyên khoa chỉnh hình thực hiện đục xương chậu khép khớp mu và gắn đinh để gắn bộ bất động ngoài.
- BS chuyên khoa tiết niệu thực hiện tạo hình bàng quang niệu đạo, khép cơ thành bụng.

2. Điều trị trước phẫu thuật
Nâng thể trạng, điều trị nhiễm trùng trước mổ nếu có.
3. Điều trị phẫu thuật
a. Nguyên tắc phẫu thuật: đóng bàng quang không căng, khớp mu kéo lại gần nhau, đóng thành bụng không căng, dẫn lưu nước tiểu từ niệu quản và bàng quang riêng biệt và triệt để.
b. Chỉ định phẫu thuật: có chỉ định phẫu thuật đối với mọi trường hợp lộ bàng quang. Nên mổ sớm để người nhà bớt lo lắng, giảm khó khăn trong sinh hoạt và chấn thương tâm lý cho bé.
c. Kỹ thuật mổ
● Chỉnh hình: đường rạch da từ 1/3 trên trước mào chậu. Bóc tách cơ bám vào cánh chậu, bộc lộ gai chậu trước dưới. Đục xương giữa gai chậu trước trên và gai chậu trước dưới hướng về khuyết hông lớn, xuyên 2 đinh Knownles vào gai chậu trước dưới gắn với bộ bất động ngoài kéo áp 2 khớp mu vào.
● Tiết niệu: rạch da, bóc tách và bộc lộ vòng quanh bàng quang máng niệu đạo cổ bàng quang. Khâu bàng quang 2 lớp bằng chỉ Vicryl 4.0, khâu cổ bàng quang niệu đạo bằng chỉ PDS 6.0 hay 7.0. Dẫn lưu bàng quang bằng thông Foley 8 hay 10F; dẫn lưu 2 niệu quản bằng thông nuôi ăn (feedingtube) số 5 hay 6F, thông niệu đạo bằng thông Foley số 8F. Dẫn lưu bàng quang, niệu quản, niệu đạo
4. Điều trị sau phẫu thuật
Thuốc: kháng sinh phổ rộng Cephalosporin thế hệ 3 dùng 14 ngày sau đó chuyển sang Bactrim uống; giảm đau với Paracetamol.
Thay băng, chăm sóc vết mổ chân đinh, chăm sóc ống dẫn lưu tránh nghẹt thông.
Thông niệu đạo rút sau 10 ngày, thông niệu quản rút sau 2 tuần, thông bàng quang rút sau 4 tuần, đinh bất động ngoài rút sau 4 đến 6 tuần.
Vật lý trị liệu tập đi sau rút đinh.
IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM
1. Theo dõi
Bàng quang nhỏ.
Trào ngược bàng quang-niệu quản.
Són tiểu.
Lỗ tiểu cao.
2. Tái khám
Định kỳ sau 3 tháng, 6 tháng và hằng năm.
Tái khám đánh giá kết quả, theo dõi và xử lý biến chứng