ẨN TINH HOÀN

I. ĐẠI CƯƠNG

      ● Tinh hoàn ẩn (tinh hoàn không xuống bìu – undescended testis) chiếm 3% ở trẻ sơ sinh đủ tháng, tinh hoàn xuống tự nhiên từ khoảng 3 đến 9 tháng tuổi, đến khi một tuổi chỉ còn tỉ lệ 1% .

      ● Tinh hoàn ẩn là tinh hoàn không xuống bìu, nằm trong ổ bụng hay trên đường đi của ống bẹn.

      ● Phân loại:

      - Tinh hoàn ẩn sờ thấy: sờ được tinh hoàn ở ống bẹn.

      - Tinh hoàn ẩn không sờ thấy: tinh hoàn ở lỗ bẹn sâu, trong ổ bụng.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Công việc chẩn đoán

a. Hỏi bệnh: bệnh nhân đến khám vì không thấy tinh hoàn trong bìu.

b. Khám lâm sàng

      ● Nhìn: thấy bìu rỗng.

      ● Sờ: không sờ thấy tinh hoàn ở bìu, có thể sờ thấy tinh hoàn ở ống bẹn.

Hình 2: Dấu hiệu bìu rỗng trong ẩn tinh hoàn

c. Cận lâm sàng

      ● Siêu âm: có giá trị trong các bệnh nhân quá béo vì khám lâm sàng khó khăn. Siêu âm có giá trị hạn chế trong các trường hợp tinh hoàn ẩn không sờ thấy vì tỉ lệ âm tính giả và dương tính giả cao.

      ● Soi ổ bụng: có giá trị trong các trường hợp tinh hoàn ẩn không sờ thấy.

      ● Xét nghiệm nhiễm sắc thể (karyotype): để phát hiện lưỡng giới trong trường hợp tinh hoàn ẩn hai bên hoặc tinh hoàn ẩn kèm lỗ tiểu thấp.

2. Chẩn đoán xác định: Dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng.

3. Chẩn đoán phân biệt

      ● Tinh hoàn co rút: là tinh hoàn không nằm ở bìu nhưng có thể kéo được xuống bìu và lại chạy lên khi buông ra.

      ● Tinh hoàn lạc chỗ: là tinh hoàn không nằm trên đường đi của ống bẹn (có thể ở cạnh bàng quang, tầng sinh môn, vùng trước xương mu, đùi, bẹn đối diện).

III. ĐIỀU TRỊ

1. Nguyên tắc điều trị ẩn tinh hoàn

      ● Tinh hoàn ẩn có chỉ định phẫu thuật hạ tinh hoàn xuống bìu trong mọi trường hợp trừ tinh hoàn co rút.

      ● Phẫu thuật sớm để tránh teo tinh hoàn, hoại tử tinh hoàn do xoắn.

2. Điều trị trước phẫu thuật

Nội tiết (HCG) thường ít hiệu quả nhưng cải thiện tưới máu tinh hoàn sau mổ.

3. Điều trị phẫu thuật

a. Nguyên tắc phẫu thuật

      ● Tránh tổn thương mạch máu và ống dẫn tinh.

      ● Tinh hoàn nằm ở bìu sau mổ.

      ● Thời điểm phẫu thuật: lí tưởng là 1 tuổi (ngay sau 1 tuổi trong tinh hoàn ẩn sẽ giảm số lượng tế bào mầm, xuất hiện tế bào Leydid bất thường và xơ hóa quanh các ống sinh tinh, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh tinh về sau).

b. Kỹ thuật mổ

      ● Tinh hoàn ẩn sờ thấy:

      - Rạch da: đường nếp bụng thấp nhất vùng bẹn khoảng 2 cm.

      - Tìm tinh hoàn: qua tổ chức dưới da, cân nông và cân cơ chéo ngoài tìm ống phúc tinh mạc và tìm tinh hoàn.

      - Cắt dây chằng lái (dây chằng kéo bìu).

      - Cột cắt ống phúc tinh mạc: tách mạch máu và ống tinh ra khỏi ống phúc tinh mạc càng cao càng tốt (cuống mạch đủ dài để đưa tinh hoàn xuống bìu); cột cắt ống phúc tinh mạc.

      - Hạ tinh hoàn xuống bìu: dùng ngón tay tạo một đường hầm xuống đáy bìu; rạch da bìu khoảng 1,5 cm; tách da bìu khỏi cơ Dartos để tạo khoang chứa tinh hoàn; tạo một lỗ nhỏ qua cơ Dartos; dùng kìm qua lỗ nhỏ này vào đường hầm và kéo tinh hoàn xuống khoang vừa tạo; cố định tinh hoàn trong khoang bằng cách khâu hai mép thừng tinh với khe của cơ Dartos; khâu lại da bìu.

      - Kết thúc: khâu lại cân cơ chéo ngoài; khâu cân nông và tổ chức dưới da; khâu trong da.

      ● Tinh hoàn ẩn không sờ thấy: phẫu thuật nội soi hoặc mổ hở.

      - Tinh hoàn teo: cắt bỏ.

      - Cuống mạch không đủ dài để đem tinh hoàn xuống bìu:

            + Hạ tinh hoàn đến mức thấp nhất có thể được và mổ thì hai để hạ tiếp.

            + Kỹ thuật Stephens - Fowler: cắt rời động tĩnh mạch tinh, tinh hoàn được nuôi dưỡng nhờ các vòng nối động mạch ống dẫn tinh và động mạch từ dây chằng lái.

4. Điều trị sau phẫu thuật

      ● Phẫu thuật điều trị tinh hoàn ẩn là một phẫu thuật về trong ngày.

      ● Kê toa xuất viện: kháng sinh và giảm đau.

      ● Hẹn tái khám.

IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

1. Theo dõi biến chứng

      ● Chảy máu, tụ máu, nhiễm trùng vết mổ.

      ● Teo tinh hoàn, tinh hoàn ẩn tái phát (tinh hoàn rút lại lên trên).

2. Tái khám

Sau 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng.

Nguồn: Phác đồ nhi đồng 1 - 2015