BẾ KINH DO MÀNG TRINH KHÔNG THỦNG

I. ĐẠI CƯƠNG

● Bế kinh do màng trinh không thủng là tình trạng ứ huyết tử cung-âm đạo do màng trinh không có lỗ thông.

● Chỗ tiếp giáp đoạn gặp nhau của hai ống Muller với xoang niệu-sinh dục là vị trí sau này của màng trinh. Màng trinh tự tiêu đi một phần để mở thông âm đạo. Nếu nó tồn tại nguyên vẹn, màng trinh sẽ không thủng, âm đạo sẽ bị bịt kín.

● Màng trinh không thủng gây ra đau bụng do bế kinh âm đạo - tử cung ở trẻ gái tuổi dậy thì. Máu kinh không thoát ra được sẽ tràn lên vòi trứng và vòi trứng có thể vỡ ra do căng giãn quá mức, khiến bệnh nhân không thể có thai. Ngoài ra, sự ứ đọng máu kinh còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm tử cung và vòi trứng sau đó vỡ ra gây viêm phúc mạc.

II. CHẨN ĐOÁN

1. Công việc chẩn đoán

a. Hỏi bệnh: bệnh nhân nữ ở tuổi dậy thì đến khám vì hàng tháng có những đợt đau bụng kéo dài vài ngày, buồn nôn, tiểu khó, tiểu máu, đôi khi bí tiểu, nổi u ở bụng dưới ngày càng to.

b. Khám lâm sàng: khám thấy khối u bụng vùng chậu sau (thông tiểu vẫn còn nguyên) và u phồng ở âm đạo.

c. Cận lâm sàng: siêu âm có thể xác định được tình trạng ứ huyết trong tử cung.

2. Chẩn đoán xác định

Dựa lâm sàng và siêu âm.

3. Chẩn đoán phân biệt

● Bế kinh do bất sản âm đạo.

● Nang buồng trứng.

● Khối u chậu bụng.

II. ĐIỀU TRỊ BẾ KINH

1. Nguyên tắc điều trị

Điều trị sớm nhằm giải quyết tình trạng đau bụng và những biến chứng do bế kinh có thể gây ra. Có chỉ định phẫu thuật cấp cứu khi có tình trạng đau

bụng cấp.

2. Điều trị trước phẫu thuật

● Dịch truyền, kháng sinh.

● Xét nghiệm tiền phẫu (công thức máu, TS-TC, tổng phân tích nước tiểu).

● Dặn nhịn ăn uống chờ phẫu thuật cấp cứu.

3. Điều trị phẫu thuật

a. Nguyên tắc phẫu thuật: thoát hết máu kinh.

b. Kỹ thuật mổ

● Là một phẫu thuật đơn giản.

● Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê.

● Tư thế: bệnh nằm ngửa, tư thế sản khoa.

● Thoát máu kinh: chọc dò màng trinh thấy máu kinh, dùng dao hoặc dao điện rạch màng trinh hình chữ thập để thoát máu kinh. (khâu lộn mép màng trinh

từ trong ra ngoài).

● Dẫn lưu: bằng ống dẫn lưu hoặc nhét gạc.

4. Điều trị sau phẫu thuật

● Thuốc: kháng sinh Cephalosporin thế hệ 3, giảm đau.

● Chăm sóc vết mổ: thay băng mỗi ngày.

● Thời gian nằm viện: 1-3 ngày.

IV. THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

1. Theo dõi

● Bế máu kinh ở ống dẫn trứng: vẫn còn đau bụng, còn khối u ở bụng dưới => theo dõi, ít khi can thiệp phẫu thuật.

● Viêm phúc mạc tiểu khung do máu thoát vào ổ bụng => can thiệp phẫu thuật.

● Bế kinh tái phát do màng trinh bít => phẫu thuật rạch màng trinh lại.

2. Tái khám

1-2 tuần, 1-2 tháng, 6 tháng.

Tài liệu tham khảo: Phác đồ nhi đồng 1 - 2015